Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ và cử nhân tài năng, chất lượng cao

Diễn ra từ 06/11/2022

Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022 do ĐHQGHN tổ chức ngày 02/11/2022 đã thống nhất chủ đề năm học 2022-2023 là “Tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên tài năng, chất lượng cao theo Quy chế đào tạo mới”, đồng thời triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kỷ cương, nề nếp và giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các Phó Giám đốc ĐHQGHN: Nguyễn Hiệu, Phạm Bảo Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng, Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên và lãnh đạo các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Đào tạo, cán bộ phụ trách công tác đào tạo đại học và sau đại học, trung học phổ thông của các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày Báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022

Trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác đào tạo ở ĐHQGHN năm học 2021-2022 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong các hoạt động đào tạo.

Theo đó, kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt. Chỉ riêng số thí sinh đăng ký dự thi vào ĐHQGHN đã chiếm khoảng 12% tổng số thi sinh dự thi trên địa bàn cả nước, qua đó thấy được sức hút của môi trường học tập tại ĐHQGHN cũng như sức hút ngành nghề theo nhu cầu xã hội. Đặc biệt, đây là năm ĐHQGHN có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hệ tài năng, chất lượng cao đạt trên 17% tổng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong năm học - cao nhất từ trước đến nay. Năm học vừa qua cũng là năm toàn ĐHQGHN tập trung cao nhất lực lượng để chuẩn bị thành công việc triển khai tổ chức đào tạo cho 1.502 sinh viên khóa QH.2022 học tập tại Hòa Lạc.

Công tác tuyển sinh sau đại học (SĐH) có nhiều chính sách đổi mới theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, năm 2022, ĐHQGHN cập nhật yêu cầu về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đầu vào, không tổ chức thi tuyển sinh với môn ngoại ngữ như trước. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng thực hiện phương thức xét tuyển bậc thạc sĩ đối với một số đơn vị đào tạo.

Về tổ chức quản lý đào tạo liên kết quốc tế, hiện nay, ĐHQGHN có 09 đơn vị đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo với 24 CTĐT, trong đó có 09 CTĐT cử nhân và 15 CTĐT thạc sĩ. Các CTĐT liên kết quốc tế đã tạo cơ hội tốt cho sinh viên được học tập trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, kinh doanh, quản lý, công nghệ theo phương thức đào tạo hiện đại của các trường đại học uy tín trên thế giới.

Cũng trong năm học qua, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách thu hút người học như: Chương trình học bổng dành cho khối ngành khoa học cơ bản; Học bổng dành cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học…

“Một năm học với nhiều biến động và nhiệm vụ đặt ra là phải thích ứng, song các đơn vị đào tạo đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm học 2021-2022 với kết quả thể hiện qua các con số nổi bật: 8.002 sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp đại học, 1.483 học viên được nhận bằng thạc sĩ, 223 nghiên cứu sinh được nhân bằng tiến sĩ. Công tác trao đổi sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế tiếp tục được phát triển; Nhiều ngành mới đặc sắc được mở và tuyển sinh tốt. Đội ngũ GS, PGS, TS hùng hậu. Thành tích xuất sắc của khối THPT tại các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực và các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Giá trị cốt lõi là chất lượng đào tạo luôn được duy trì nghiêm túc. Một số lĩnh vực như toán học, vật lý, khoa học máy tính, kỹ thuật công nghệ và kinh doanh quản lý tiếp tục lọt trong top 300-500 thế giới - tất cả những điều này khẳng định chất lượng đào tạo, uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN” – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong năm học tới, đó là: Việc chuyển đổi các CTĐT chất lượng cao sang các CTĐT chuẩn theo định mức kinh tế - kỹ thuật đang làm giảm dần quy mô tuyển sinh và đào tạo chất lượng cao; các ngành khoa học cơ bản còn chậm đổi mới; quy mô đào tạo ĐH tăng nhanh trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; tỷ lệ tốt nghiệp trung bình mới chỉ đạt 65% và năng lực ngoại ngữ vẫn còn là điểm yếu của nhiều sinh viên; tốc độ kiểm định các chương trình đào tạo còn chậm,…

Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, đó là: (1) Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt các hệ tài năng, chất lượng cao và chất lượng đào tạo tiến sỹ;  (2) Thu hút và mở rộng quy mô đào tạo nghiên cứu sinh; (3) Đẩy nhanh kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; (4) Hoàn thiện và triển khai Đề án Tổ chức các kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN và Đề án đào tạo học sinh miền Nam; (5) Đẩy mạnh chuyển đổi số; Hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; (6) Đẩy mạnh chuyển đổi số; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý đào tạo tiến sĩ, phần mềm xác minh văn bằng chứng chỉ của ĐHQGHN cũng như nâng cấp và điều chỉnh các phần mềm quản lý đào tạo đại học, sau đại học cho phù hợp với Quy chế đào tạo mới; (7) Đổi mới cấu trúc nội dung chương trình đào tạo; (8) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tăng quy mô tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực; (9) Triển khai tập huấn và thực hiện thật tốt các quy chế đào tạo mới; (10) Rà soát và bổ sung, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn đánh giá chất lượng tuyển sinh năm vừa qua của Trường có chuyển biến mạnh

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, chất lượng tuyển sinh năm vừa qua của Trường có chuyển biến mạnh thông qua xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, đặc biệt là các ngành mang tính hội nhập như Đông Phương học, Hàn Quốc học… Về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đề nghị các cán bộ làm công tác đào tạo cần bám sát các tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh tình trạng sinh viên không ra được trường vì không đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng mong muốn lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo các đơn vị đào tạo cùng hô ứng trong việc mở mới các CTĐT theo xu hướng của thị trường lao động.

Hiệu trưởng Trường Quốc tế Lê Trung Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chất lượng trong đào tạo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chất lượng, Hiệu trưởng Trường Quốc tế PGS.TS Lê Trung Thành cho rằng, hiện nay chúng ta chưa phát huy hết nguồn lực đổi mới sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, từng vị trí việc làm cho tương xứng với sứ mệnh, giá trị cốt lõi của ĐHQGHN. Hiệu trưởng Lê Trung Thành đề xuất, ĐHQGHN nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các công cụ, phần mềm dùng chung cho các đơn vị để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

 

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Phạm Văn Thuần đề xuất tuyển sinh theo nhóm ngành

PGS.TS Phạm Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đề xuất tuyển sinh theo nhóm ngành nhằm tái cấu trúc các CTĐT theo nhóm ngành, phân ngành, từ đó tạo sự liên thông tối đa giữa các CTĐT. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cũng đề nghị có sự cân nhắc, xem xét điều chỉnh để xây dựng phương án đào tạo liên thông, liên kết giữa các bậc học, từ cử nhân tới thạc sĩ.

TS. Bùi Vũ Anh - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục chia sẻ, Viện sử dụng kết quả của các đơn vị đao tạo để tham gia xếp hạng theo hướng xếp hạng bền vững. Mới đây nhất, ĐHQGHN được QS tặng giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này. Phó Viện trưởng Bùi Vũ Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như tỉ lệ giảng viên, cơ sở vật chất cũng phải được gia tăng và mở rộng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của các đơn vị trong toàn ĐHQGHN. Thời gian gần đây, ĐHQGHN chú trọng xếp hạng theo lĩnh vực, hướng đi này hỗ trợ nhiều hơn cho công tác đào tạo, quảng bá chương trình đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, việc phát triển các ngành nghề theo xu hướng mới cần song hành duy trì các CTĐT truyền thống

Đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, việc phát triển ngành nghề mới theo nhu cầu xã hội, đặc biệt là các ngành kỹ thuật - công nghệ là một xu hướng chú trọng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải duy trì những CTĐT truyền thống, khoa học cơ bản là thế mạnh đặc thù của ĐHQGHN. Những chính sách đầu tư, ưu tiên của ĐHQGHN cho các ngành khoa học cơ bản là một trong những điểm thuận lợi để phát triển các CTĐT này trong thời gian tới.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đặc biệt lưu ý các đơn vị rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đặc biệt lưu ý các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng. Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng đề nghị các đơn vị tăng cường số hóa, chuyển đổi số trong đào tạo, phần mềm quản lý đào tạo và xây dựng bài giảng điện tử. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện thu chi theo Quy định định mức kinh tế kỹ thuật và Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đề nghị tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực đào tạo

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo năm học 2021-2022. Giám đốc đề nghị năm học tới cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực đào tạo, trước mắt là rà soát, ban hành và triển khai các Quy chế đào tạo mới hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền; thí điểm giao quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo.

Giám đốc Lê Quân đề nghị các đơn vị chú trọng hơn nữa đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, thu hút cán bộ khoa học trình độ cao về công tác tại ĐHQGHN. Giám đốc nhấn mạnh yêu cầu về công bố quốc tế đối với giảng viên và nghiên cứu sinh, các chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu, góp phần nâng cao vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới.

Giám đốc ĐHQGHN cũng cho rằng, việc các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN tiếp tục đăng ký giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai tại Hòa Lạc. Đây là một trong những yếu tố giúp giảm áp lực cho các cơ sở của ĐHQGHN ở nội thành.

Giám đốc Lê Quân đề nghị các đơn vị nghiên cứu, xây dựng tái cấu trúc ngành, chuyên ngành để đảm bảo hiệu quả giảng dạy; trang bị cho sinh viên được nhiều kỹ năng hơn, tiếp cận được nhiều vấn đề phục vụ thực tiễn – gắn đào tạo với nghiên cứu, với đáp ứng yêu cầu của xã hội.


Đăng ký tham gia