GS. Vũ Dương Ninh
Tốt nghiệp khoá I Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959, GS.Vũ Dương Ninh bước vào nghề dạy học như một duyên cớ định sẵn với một lòng say mê cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Giáo sư đã tiếp nối truyền thống gia đình và lòng mong muốn noi gương những người thầy đi trước. Năm nay sắp bước tới tuổi thất thập, NGND.GS. Vũ Dương Ninh vẫn dẻo dai, bền vỉ với công việc giảng dạy, bởi như ông từng nói: “Nghề dạy học đem lại cho tôi niềm vui, sự trẻ trung và tình yêu cuộc sống".
PV: Thưa Giáo sư Vũ Dương Ninh, dù ở thời đại nào, người Thầy luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự trưởng thành của học trò? Điều đó phải chăng đặc biệt đúng với thế hệ sinh viên các thầy ngày xưa?
GS. Vũ Dương Ninh: Người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự trưởng thành của học trò. Điều này hoàn toàn đúng đối với mọi thế hệ học trò trong mọi thời đại chứ không chỉ riêng thế hệ chúng tôi. Người thầy là người nêu gương cho học trò về phẩm chất đạo đức, tinh thần yêu nước, về những lối ứng xử hàng ngày. Về chuyên môn, nghiệp vụ, người thầy là người dẫn dắt, gợi mở cho học trò những hướng nghiên cứu, sáng tạo trong học tập, làm việc, hướng họ tới trách nhiệm, nghĩa vụ cống hiến cho xã hội. Với ý nghĩa đó, ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào, người Thầy luôn có vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành của học trò, rộng hơn là đối với sự hình thành lớp công dân mới của xã hội.
Trong thực tế, có hiện tượng đáng mừng là có những học trò bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân đã thích nghi được với sự phát triển của xã hội, vượt qua được cả thế hệ trước. Dân gian ta có câu: “Không thày đố mày làm nên", cũng lại có câu "Con hơn cha là nhà có phúc". Có được một người trò giỏi hơn thầy đó là hạnh phúc lớn của người thầy.
GS. Vũ Dương Ninh tại lễ khai giảng trường ĐHKHXH&NV năm học 2005 - 2006
PV: Những bài học đầu tiên hẳn là khó quên, những ấn tượng đầu tiên về các thầy dạy đôi khi đi theo ta suốt đời, Giáo sư có thể kể cho bạn đọc nghe những kỷ niệm về những người thầy của mình không?
GS. Vũ Dương Ninh: Trong sự trưởng thành của mỗi người có sự đóng góp của nhiều thầy cô giáo qua các cấp học. Có thầy cô dạy nhiều, có thầy cô dạy ít nhưng đều giúp mình ngày càng hoàn thiện hơn về đạo đức và trí tuệ. Đặc biệt, trong thời gian tôi học đại học thì có nhiều thầy giáo đã để lại ấn tượng mạnh với tôi và ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, làm việc và cả những quan niệm sống của tôi sau này. Có thể kể, thứ nhất là GS. Cao Xuân Huy, một nhà nho học nổi tiếng, dạy tôi môn Logic học. Dù thầy chỉ dạy vài buổi, tài liệu tham khảo bấy giờ cũng rất sơ sài nhưng thầy đã dạy chúng tôi phương pháp tư duy và cách lập luận chặt chẽ, những điều vô cùng cần thiết cho những người muốn đi vào nghiên cứu và giảng dạy. Với NGND.GS. Trần Văn Giàu, tôi vô cùng khâm phục thầy về sự uyên bác, khối lượng tri thức lớn mà thầy cung cấp cho chúng tôi qua từng buổi học. Cách dạy của thầy vừa dễ nghe, dễ hiểu, lại gợi mở nhiều điều bổ ích gắn với các vấn đề của thực tiễn xã hội lúc bấy giờ. Bản thân thầy Giàu là một nhà cách mạng lớn nên một cách tự nhiên, tinh thần cách mạng, lòng ham muốn phục vụ đất nước, xã hội được thầy truyền cho chúng tôi qua bài giảng. Hay thầy Phạm Huy Thông, nhà thơ, nhà khảo cổ, người đặt nền móng cho ngành lịch sử thế giới ở Việt Nam đã truyền cho tôi sự say mê tìm hiểu về lịch sử thế giới, các vấn đề quốc tế đương đại bấy giờ. Hay như NGND.GS. Đinh Xuân Lâm dạy môn Lịch sử cận đại Việt Nam đã gợi mở cho tôi có nhiều suy nghĩ, hướng đi đúng, cung cấp những kiến thức nền tảng để sau này tôi có cơ sở đi vào nghiên cứu ngành Lịch sử thế giới. Ở mỗi người thầy tôi đều học được một điểm đáng quý nào đó, mà sau này trở thành những bài học để đời của mình.
Nhưng có một điểm chung mà tôi học được từ tất cả những người thầy ấy là tinh thần tự học chăm chỉ, cần cù. Đến lượt tôi, tôi cũng luôn tự học để vươn lên và bây giờ tôi muốn truyền kinh nghiệm học ấy cho các bạn trẻ.
PV: Thế còn với những học trò của mình, Giáo sư có kỷ niệm nào đặc biệt?
GS. Vũ Dương Ninh: Đào tạo đại học có một đặc điểm là mỗi một học trò là sản phẩm đào tạo của nhiều thầy cô giáo. Mỗi một thế hệ học trò tôi dạy đều để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhưng tôi muốn bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ của mình đối với thế hệ những sinh viên đi thẳng từ giảng đường ra chiến trường, trong đó có rất nhiều người ra đi nhưng không trở lại. Đó là thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và đã lập được nhiều chiến công.
Tôi có một kỷ niệm sâu sắc: vào năm 1975, khi Sài Gòn mới giải phóng, Bộ Đại học cử một đoàn Giáo sư từ Bắc vào tiếp quản các trường đại học ở Sài Gòn và tổ chức ngay việc khai giảng năm học mới. Trong số những người đi học, tôi thấy thấp thoáng những bóng áo lính. Đó là những sinh viên người Bắc đang học dở đại học thì xung phong vào Nam chiến đấu, hoà bình lập lại, họ lại đến giảng đường thực hiện nốt ước mơ học hành đang còn dang dở. Tôi đã gặp lại những học trò cũ của mình, nghe anh em kể lại những kỷ niệm với các thầy giáo, nhắc lại và "nhại" lại những thói quen của từng thầy cũ mới thấy hết tình cảm của học trò dành cho những người thầy giáo chúng tôi. Trong những giờ phút gian khổ, giữa cái sống và cái chết mà anh em vẫn nhớ đến chúng tôi, thậm chí nhớ rất rõ thói quen và tính cách của từng người một!
Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến, tức nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân. Lê Anh Xuân học rất giỏi, thông minh, được giữ lại làm giảng viên bộ môn Lịch sử thế giới, chuyên về lịch sử văn hoá Hy Lạp, La Mã. Những năm 60, Anh Xuân vào Nam công tác theo nhiệm vụ được phân công và hy sinh trong đó. Đến nay, Khoa Lịch sử vẫn tự hào vì có người học trò - nhà thơ - liệt sĩ này.
PV: Nhiều người nhận xét rằng, sinh viên ngày nay dường như chưa được trang bị đủ vốn kiến thức bề rộng về xã hội và các môn khoa học xã hội - nhân văn, trong khi các môn đại cương trong chương trình đại học vẫn chiếm thời lượng lớn, Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này? Tại sao thế hệ các thầy ngày xưa có rất nhiều tên tuổi lớn không chỉ là những người thầy lớn mà còn đạt đến tầm của những nhà văn hoá lớn?
GS. Vũ Dương Ninh: Ngày nay, sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tích luỹ các kiến thức xã hội, nhưng dù thuận lợi thế nào thì cũng khó có thể nói là đủ được. Nhà trường chỉ là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản và hệ thống để từ đó có thể định hướng cho sinh viên nghiên cứu sau này. Chương trình đại cương là vô cùng cần thiết và quan trọng đối với sinh viên, nhất là sinh viên các ngành khoa học xã hội nhân văn, nhưng điều bất hợp lý ở đây là những học phần này chiếm khối lượng quá lớn. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy của người thầy lại chưa hay, chưa hiệu quả, chưa đủ sức truyền tải những tinh hoa, cốt lõi của các môn học đó đến sinh viên. Người học không áp dụng được những kiến thức của môn học đó vào công việc của mình, từ đó dễ sinh chán nản.
Tôi phải nói thêm là các thầy giáo nghiên cứu, giảng dạy, trước hết không vì mục đích để trở thành nhà này, nhà kia đâu (Cười). Nhưng có lẽ ngày xưa, các môn Văn, Sử, Triết bất phân, học chuyên ngành này nhưng phải am hiểu cả các ngành kia nữa nên tự điều đó đã giúp người học có được một vốn kiến thức liên ngành sâu sắc. Cho nên, điều cốt lõi của những người theo ngành khoa học xã hội nhân văn là bên cạnh việc đi vào chuyên môn cụ thể, anh phải có kiến thức bề rộng về xã hội, văn hóa phong phú và có chiều sâu.
PV: Đã có rất nhiều sinh viên nói rằng họ thích học các môn của Giáo sư bởi vì trước hết, các bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái, chủ động và yêu thích việc tiếp nhận những bài giảng của thầy. Dường như đấy cũng là một bí quyết dạy học của Giáo sư? Theo Giáo sư, một người thầy đứng trên bục giảng cho sinh viên nghe cần chú ý những điều gì về chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp?
GS. Vũ Dương Ninh: Nghe bạn nói thế tôi mừng lắm (Cười). Theo tôi, trong mỗi buổi học, người thầy phải tạo không khí thoải mái, hứng thú, lôi cuốn sinh viên để cho sinh viên luôn háo hức chờ mong những thông tin mới từ bài giảng của thầy giáo. Thoải mái chứ không phải là tự do nhé. Tôi vẫn hay nói đùa với đồng nghiệp rằng thầy giáo là người có trách nhiệm dạy dỗ học sinh, tức là vừa "dạy" mà vừa phải "dỗ". Nhưng từ “dỗ” ở đây phải được hiểu là tạo sức lôi cuốn học sinh qua các bài giảng. Hãy để sinh viên kính yêu thầy mà vẫn gần gũi, thân thiết với thầy.
Yếu tố thứ hai và cũng là yếu tố quan trọng nhất là người thầy phải có sự hiểu biết rộng lớn về vấn đề mình sẽ trình bày, nhưng khi nói cần ngắn gọn, súc tích, hàm lượng thông tin cao, luôn cập nhật và gợi mở suy nghĩ cho người học.
Yếu tố thứ ba là kỹ năng sư phạm, tức là khả năng diễn đạt cho sinh viên hiểu, thấy hấp dẫn, khích lệ sự trao đổi, phát biểu ý kiến của sinh viên. Đây là điều mà chúng ta hiện nay chưa thực quan tâm lắm. Có những người giỏi, hoàn toàn có thể là những nhà nghiên cứu tốt nhưng không có khả năng truyền đạt hấp dẫn sinh viên thì cũng chưa hẳn là giáo viên giỏi. Nếu có thể làm được 3 điều ấy thì tiết học sẽ không bị nặng nề.
PV: Bốn năm học đại học là khoảng thời gian quan trọng để biến đổi sinh viên từ một người học trở thành một người biết làm việc, theo Giáo sư, mức độ "ưu tiên" quan tâm và đầu tư (dù chỉ trong một sự so sánh không tuyệt đối) của các thầy cô giáo đại học đối với sinh viên theo từng năm học, từ năm thứ nhất tới năm thứ tư phải như thế nào?
GS. Vũ Dương Ninh: Ta phải khẳng định rằng 4 năm đại học là khoảng thời gian vô cùng quan trọng với mỗi sinh viên. Đây là độ tuổi con người ta không còn nhỏ nữa nhưng cũng chưa hẳn trở thành người lớn, muốn bắt chước và tìm hiểu mọi thứ nên rất cần một sự định hướng đúng đắn ngay từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Từ học để tiếp thu, sinh viên được dạy cách học để làm việc. Đặc biệt, sinh viên năm thứ nhất cần phải được quan tâm, giúp đỡ để làm quen với cách học đại học. GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học ngày xưa đã từng có ý kiến phải mời các giáo sư dạy cho sinh viên năm thứ nhất. Đây là bước chuyển quan trọng mà ta đôi khi không để ý. Nếu sinh viên không vượt qua được giai đoạn này dễ nảy sinh tâm trạng chán nản, thất vọng. Sau thời gian đó, sinh viên phải được dạy để tích luỹ kiến thức, tập cách tiếp thu và xử lý kiến thức, phương pháp nghiên cứu, làm quen với các buổi thảo luận, làm niên luận đến các hội thảo khoa học, khoá luận tốt nghiệp. Tóm lại là các em phải được hướng dẫn từng bước, cẩn thận và tỷ mỉ, nói nôm na như anh thợ mộc học đóng đinh ấy. Điều đáng mừng là hiện nay, Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và ĐHQGHN nói chung đã chú trọng để thực hiện tốt các bước này. Đến năm học cuối, khi sinh viên chuẩn bị ra trường thì yêu cầu dạy và học lại khác. Trên cơ sở kiến thức đã tích luỹ, người thầy giúp sinh viên liên hệ những kiến thức đã có với các vấn đề thực tiễn ngoài xã hội, mở rộng thêm những kinh nghiệm nước ngoài... Mỗi năm học, cùng là đối tượng sinh viên ấy nhưng nhu cầu học của sinh viên đã thay đổi. Điều đó đòi hỏi các thầy cô giáo phải quan tâm đầu tư bài giảng, cách dạy phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận của học trò. Đối với tôi, tôi quan tâm đặc biệt và thường giảng dạy cho hai nhóm đối tượng sinh viên: sinh viên mới vào ngay từ học kỳ I năm thứ I và sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp.
PV: Có những sinh viên và thậm chí cả các giảng viên trẻ gặp khó khăn trong việc định hướng cho nghề nghiệp chuyên môn của mình, từ đó đã không phát huy được hết khả năng và sự đầu tư công sức của mình theo chuyên môn đã chọn. Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của thế hệ những người thầy đi trước trong việc định hướng và bồi dưỡng thế hệ sinh viên và giảng viên kế cận?
GS. Vũ Dương Ninh: Sinh viên, đặc biệt là giảng viên trẻ ở trường là những người đã được chọn lọc về phẩm chất và năng lực. Đây là vốn quý, là điểm xuất phát tốt cho việc xây dựng lớp cán bộ trẻ kế cận. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có sự quan tâm đầy đủ về vấn đề này. Vậy thì điều quan trọng của một giảng viên tương lai là phải xác định ngay từ đầu, mình sẽ đi theo thầy hướng dẫn nào, nghiên cứu sâu về chuyên ngành nào. Người thầy sẽ định hướng cho anh ta phải làm gì trong những năm tiếp theo, định hướng chuyên môn phải đi. Đối với những giảng viên trẻ ở bộ môn của tôi, tôi thường sắp xếp để anh chị em tham gia từng bước vào việc giảng bài trên lớp và vết giáo trình. Năm thứ nhất có thể tham gia một phần, năm thứ hai tham gia hai phần, rồi cứ tiếp tục cho đến khi tôi có thể chuyển giao hoàn toàn môn học cho anh chị em giảng dạy. Trong quá trình ấy, tôi phải ngồi nghe anh chị em giảng bài cho sinh viên, đánh giá, nhận xét để rút kinh nghiệm, dần dần tự hoàn thiện mình. Nếu không có kế hoạch từng bước như vậy thì thời gian trôi qua, người giảng viên trẻ ấy sẽ cảm thấy lúng túng, không có phương hướng phấn đấu. Như thế thì rất đáng tiếc.
PV: Có người nói thế hệ sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung thông minh, có kiến thức, có khả năng tham gia hiệu quả, sáng tạo vào việc xây dựng xã hội hiện đại. Cũng có ý kiến là thế hệ trẻ hiện nay còn thụ động, chưa có những kỹ năng làm việc khoa học, công nghiệp. Xin Giáo sư có thể cho một đánh giá công bằng nhất về vấn đề này?
GS. Vũ Dương Ninh: Ta phải thấy rằng cả hai loại ý kiến đó đều có cơ sở nhận định cả. Tức là người ta đều có thể lấy dẫn chứng trong xã hội về ý kiến này hay ý kiến kia mà ta khó phản bác được. Đó đơn giản là vì cuộc sống với muôn mặt, muôn vẻ của nó. Vấn đề là khi nhận xét, phản ánh xã hội phải dựa theo một chuẩn nào đó. Vậy thì xác định chuẩn như thế nào? Ta phải dựa vào yêu cầu xã hội hiện nay là con người phải thích nghi với sự phát triển của xã hội hiện đại, đủ năng lực làm việc phục vụ sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu của gia đình nhưng vẫn đảm bảo hài hoà với lợi ích cá nhân. Các tiêu chuẩn này không cố định mà thay đổi theo từng thời kỳ, thời đại. Không thể lấy chuẩn ngày xưa mà áp dụng cho thời hiện nay. Điều đó buộc chúng ta phải dựa vào thực tế xã hội mà phản ánh cho đúng.
PV: Gần đây, giáo dục là vấn đề được bàn cãi, tranh luận nhiều trên báo chí và trong xã hội. Là một người công tác trong ngành giáo dục, lại là một người thầy, đôi lúc Giáo sư có cảm thấy... "chạnh lòng"? Chúng ta nên có thái độ như thế nào trước những dư luận xã hội ấy?
GS. Vũ Dương Ninh: Chúng ta phải lắng nghe tất cả các ý kiến đó vì mỗi ý kiến ít nhiều đều có cơ sở của nó. Nhưng chúng ta phải biết sàng lọc. Vậy thì sàng lọc dựa trên cái gì? Thứ nhất, ta phải có bản lĩnh để bình tĩnh lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng nhưng cũng sẵn sàng phản bác những ý kiến không đúng. Thứ hai là phải có chính kiến của mình, không do dự cho dù ý kiến của ta có thể khác với số đông. Thứ ba là phải dựa vào thực tiễn xã hội để nhận định. Điều này là hết sức quan trọng. Chỉ có từ thực tiễn ta mới tìm ra giải pháp phù hợp nhất để cải tạo xã hội. Đó là thái độ đúng đối với những dư luận xã hội về giáo dục hiện nay.
PV: Người ta thường ví thầy giáo như người chèo đò, chở hết lớp sinh viên này đến lớp sinh viên khác đi mà không hẹn ngày gặp lại, dường như đối với người làm nghề dạy học, luôn ẩn chứa một nỗi buồn chia tay sau mỗi khoá học? Theo Giáo sư, đâu là ý nghĩa cao quý nhất của nghề dạy học?
GS. Vũ Dương Ninh: Tại sao lại không hẹn ngày gặp lại? Đành rằng cuộc chia tay nào mà chẳng buồn nhưng nỗi buồn ấy không bi lụy. Nỗi buồn ấy chỉ là sự phản ánh tình cảm thầy trò sâu sắc, gắn bó mà thôi. Nhưng nó còn gắn với niềm vui, niềm hy vọng, tin tưởng của người thầy vào tương lai của các học trò.
Dạy học trước hết là một công việc như bao công việc khác. Nhưng nghề dạy học cũng có nét riêng biệt. Nó đào tạo nên những thế hệ con người cho tương lai, những công dân tương lai sẽ làm chủ đất nước, góp phần xây dựng xã hội mới. Kết quả hay sản phẩm đào tạo này không thể hiện ngay lập tức mà còn ở phía trước. Cũng như thế hệ hôm nay là sản phẩm đào tạo của quá khứ. Trách nhiệm và vinh dự của người thầy là ở chỗ đó. Phần thưởng cao quý nhất cho người thầy cũng là ở chỗ đó.
Tôi thực sự rất cảm động khi vào ngày 20/11 hàng năm, các học trò ở nhiều nơi, thậm chí đang công tác ở nước ngoài vẫn nhớ đến thăm và gọi điện về chúc mừng thầy, kể chuyện học tập, công tác và cả chuyện gia đình cho thầy nghe. Quả thật, tình cảm học trò đối với người thầy quả là một phần thưởng lớn dành cho những nhà giáo chúng tôi.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư.
Thanh Hà (Thực hiện) [100 Năm Đại Học Đông Dương]
Các nhà khoa học khác
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
GS. Phạm Như Cương
Từ tinh thần yêu nước đến con đường của một nhà lý luận mác xít
GS.TS Phạm Tất Dong
Giáo sư Trần Đức Thảo
Trần Đức Thảo là một triết gia người Việt nổi tiếng trên thế giới. Các công trình của ông là những nỗ lực hợp nhất hiện tượng học và triết học Marxist.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn
GS.NGND. Hoàng Trọng Phiến
GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức
GS. TS. Lê Ngọc Thành
PGS.TS. Trần Thành Nam
TS. Lê Hoàng Sơn
GS.TS. Lê Huy Hàm
45 nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2021
Đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư của ĐHQGHN
Ngoài ra, ĐHQGHN còn mời được 182 lượt giảng viên và các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu; cử 250 lượt giảng viên và các nhà khoa học đi thỉnh giảng, nghiên cứu tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu ở các nước tiên tiến.Nhiều cán bộ khoa học của ĐHQGHN đã được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 15 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 10 Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng khoa học uy tín trên thế giới. Một cán bộ của ĐHQGHN là thành viên nhóm tác giả được Giải thưởng Nobel 2007. Một cán bộ nhận Giải thưởng COSMOS 2008.