GS.NGND. Hoàng Trọng Phiến

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến (1934 - 2022). 

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến sinh ngày 2/1/1934 tại làng Khuê Bắc (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Giáo sư Hoàng Trọng Phiến là một trong những nhà khoa học hàng đầu của giới Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà ngữ pháp học nổi tiếng mà còn được biết đến với tư cách là người đặt nền móng cho bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam. Giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã từ trần vào hồi 22h50 phút ngày 16/7/2022 (tức ngày 18/6 năm Nhâm Dần) hưởng thọ 88 tuổi. 
 

Tôi vẫn ao ước được một lần theo Thầy tôi - GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến về xứ Quảng Nam - Đà Nẵng, được thỏa sức quẫy đạp giữa dòng nước Cẩm Lệ, tên con sông đẹp như một tứ thơ đã gắn bó với Thầy suốt những năm tháng thủa thiếu thời...


Tri ân các thầy cô, cán bộ lão thành của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt  nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa (Thầy Hoàng Trọng Phiến đứng ở giữa)

Nếu chưa một lần gặp mặt, chỉ nghe tiếng cười rổn rảng, giọng nói đặc phương ngữ Quảng Nam đầy nhiệt huyết và sôi nổi, người ta sẽ nghĩ vị Giáo sư tóc bạc phơ, ở tuổi “thượng thượng thọ xưa nay hiếm” ấy còn rất trẻ, trẻ đến độ dường như không còn khoảng cách thế hệ mỗi khi Thầy ngồi trò chuyện với chúng tôi về một vấn đề liên quan đến thanh niên. Nghe những câu chuyện Thầy kể, tôi hình dung được phần nào về cuộc đời của một con người luôn sống hết mình bằng ngọn lửa nhiệt thành từ trái tim, bằng những khát vọng, đam mê và cả niềm lạc quan - chiếc chìa khóa đa năng giúp thầy mở ra những cánh cửa thành công. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với bục giảng cũng như làm công tác nghiên cứu, giới khoa học, bạn bè, đồng nghiệp và học trò không chỉ yêu mến, kính trọng Thầy bởi những cống hiến cho ngành Ngôn ngữ học mà còn bởi tầm nhân cách và lối sống của một nhà sư phạm mẫu mực... Tôi thuộc thế hệ hậu sinh, dù không được Thầy trực tiếp dìu dắt làm khoa học (tôi học Văn, Thầy dạy Ngôn ngữ) nhưng rất “say” những bài giảng và luôn ngưỡng vọng, yêu kính Thầy trong tư thế của một dòng nước nhỏ chảy bên bờ sông lớn...

 

GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến sinh ngày 02/01/1934 trong một gia tộc nhỏ tại làng Khuê Bắc (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Ngày ấy, đây là một vùng ngoại ô nghèo, cuộc sống của người dân quê dựa chính vào nghề chài lưới và làm ruộng. Thầy bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ với những kỷ niệm êm đềm bên dòng sông Cẩm Lệ, những trò nghịch ngợm trẻ con trên núi Ngũ Hành Sơn mỗi lần được theo người lớn đi du xuân. Vốn thông minh lại ham học, ngay từ nhỏ cậu bé Phiến đã được các bậc cha chú ưu ái cho tham gia cùng viết văn tế trong những dịp hội làng. “Tình yêu thầy dành cho quê hương luôn mới mẻ và thiêng liêng như cái thủa ban đầu mới biết yêu và biết ghét. Lớn lên, thành đạt và công tác xa quê đã mấy chục năm nhưng thầy vẫn nhớ và nói tiếng mẹ đẻ xứ Quảng Nam và thầy rất thích thú khi bạn bè, đồng nghiệp gọi mình là một kẻ sĩ xứ Quảng thời hiện đại…”.

 

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, cậu học trò Hoàng Trọng Phiến rời gia đình lên chiến khu Trung Man (huyện Hòa Vang) vừa học tập, vừa tham gia công tác kháng chiến. Hoàn cảnh khó khăn của đất nước những năm tháng chìm trong khói lửa không hề làm cho thế hệ trẻ lúc ấy thối chí, ngược lại, ai cũng hừng hực khí thế bởi đã mang sẵn trong tim một hoài bão, khát vọng. Trường cấp III Lê Khiết, nơi thầy học tập là ngôi trường danh tiếng một thời, từ nơi đây đã đóng góp cho đất nước rất nhiều những nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn như các giáo sư: Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Phạm Duy Hiển, Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc… “Đó là những năm tháng khó quên, tuổi trẻ chúng tôi nắm tay nhau cùng đi trên một con đường đầy chông gai nhưng cũng thật nhiều kỷ niệm ngọt ngào…” - Thầy ngừng lời, đôi mắt ánh lên hào hứng.

Giáo sư Hoàng Trọng Phiến tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Văn học, 26/11/2006. Ảnh: Bùi Tuấn

 

Sau ngày hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), cũng như nhiều bạn bè cùng khóa, chàng thanh niên Hoàng Trọng Phiến tập kết ra Bắc và và được cử đi hoàn thiện nốt chương trình học bậc phổ thông ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Về nước năm 1956, Thầy trở thành lứa sinh viên khóa đầu (K1) của Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Thầy kể thật say sưa về những năm tháng sinh viên trẻ trung, nhiệt huyết vừa học tập vừa tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể: “Bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã xác định rất rõ lý tưởng của mình. Học tập là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bên cạnh đó công tác đoàn thể cũng là một lĩnh vực mà tôi đã gắn bó bằng rất nhiều thời gian và công sức. Được các thầy, cô tin tưởng, anh em, bạn bè tín nhiệm, tôi trở thành Bí thư Liên chi đoàn rồi Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nằm trong không khí phấn khởi chung khi hòa bình vừa được lập lại ở miền Bắc, những hoạt động của thanh niên lúc bấy giờ rất sôi nổi, hào hứng. Tổ chức Đoàn thực sự trở thành nơi gửi gắm những tâm tư, tình cảm, là môi trường lý tưởng để thanh niên tu dưỡng, hiện thực hóa những hoài bão, khát vọng cao đẹp. Đứng đầu tổ chức thanh niên ở một trường đại học lớn với tôi đó là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm nặng nề, đặc biệt ở lĩnh vực công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động để thanh niên thuộc các tầng lớp, giai cấp khác nhau trong Trường “nhận đường đúng đắn”, hướng theo lý tưởng cách mạng. Chính từ trong những hoạt động cụ thể tôi đã rút ra được nhiều bài học quý báu, làm hành trang cho quãng đời công tác sau này…”.

 

Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn năm 1959, Thầy được giữ lại làm cán bộ tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, không phải giảng dạy và nghiên cứu văn học Trung Quốc như điều Thầy hằng mong muốn mà là dạy Ngôn ngữ học, một chuyên ngành khoa học xã hội còn khá mới mẻ - âu đó cũng là “cái duyên” mà số phận đã “lim” sẵn cho Thầy. Tình yêu đối với các tác phẩm văn học là cơ sở tự nhiên để Thầy yên tâm đi theo một “con đường mới”, dễ dàng “chấp nhận” một “đối tượng mới” và sau đó không lâu thì đã dành trọn tình yêu cho đối tượng này. Bạn bè tôi thường bảo: Hình như Thầy Phiến sinh ra là để yêu? Có phải ở Thầy, tình yêu đồng nghĩa với sự hài lòng? Thầy yêu cuộc sống và cả không gian sống riêng tư trong căn hộ giản dị bởi Thầy hài lòng về nó; Thầy yêu nghề trồng người cũng giống như yêu công việc trồng cây bởi Thầy vốn “mát tay” để những “lứa quả” dâng cho đời luôn phát huy giá trị; Thầy yêu lĩnh vực khoa học Ngôn ngữ bởi nó “vốn khó gần và kiêu kỳ như một nàng mỹ nữ” (chữ dùng của Thầy Phiến), còn Thầy - “chàng trai” đa tình và đa tài đã chinh phục thành công và hơn hết Thầy luôn dành nụ cười thật hóm hỉnh, thật vị tha cho cuộc đời, cho mọi người - chỉ có những người mang “trái tim yêu” mới thế…!

 

Thầy Hoàng Trọng Phiến thuộc thế hệ những nhà khoa học đầu tiên được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống về ngôn ngữ học. Năm 1964, Thầy sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Matxcơva mang theo niềm mong muốn được tiếp thu, học hỏi những trường phái nghiên cứu về ngôn ngữ mới của thế giới. Noi gương nhiều học giả đàn anh thành danh bằng con đường tự học như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Kim Thản… Thầy đã dành 4 năm miệt mài nghiên cứu, học tập trên nước bạn. Bản luận án tiến sĩ viết bằng tiếng Nga của Thầy do 2 giáo sư I.X.Stepanop và V.M.Sônxep hướng dẫn đã được Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đánh giá xuất sắc năm 1968. Sau đó, chính Thầy là người mở đầu việc đưa vào nghiên cứu ở Việt Nam các vấn đề về bán phụ tố, cấu tạo từ, phong cách học, cú pháp học… trong loại hình ngôn ngữ học Đông phương, tổ chức và tham gia dịch từ tiếng Nga 2 công trình “Cơ sở ngôn ngữ học đại cương” (1984) và “Ngữ nghĩa và cấu trúc ngôn ngữ” (1996). Các thế hệ học trò vẫn nhớ về Thầy Phiến với phong cách giảng dạy độc đáo, hấp dẫn ở nhiều môn học chuyên ngành như: Phong cách học tiếng Việt, Ngôn ngữ học đại cương, Cú pháp tiếng Việt, Ngôn ngữ báo chí... Rất nhiều những cuốn giáo trình, những báo cáo, công trình khoa học của Thầy hoặc do Thầy là chủ biên từ lâu đã trở thành những tư liệu tham khảo quý cho những người nghiên cứu về ngôn ngữ học và cả những sinh viên thuộc các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này như: Lý thuyết ngữ pháp tiếng Việt (1976), Phong cách học tiếng Việt hiện đại (1976), Cú pháp tiếng Việt (1980), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (chủ biên - 1990), Bài tập cơ sở ngôn ngữ học (1994), Sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Địa danh Nhật Bản (2001), Từ điển hư từ tiếng Việt (2003) và hơn 100 bài báo cáo khoa học… Thầy Hoàng Trọng Phiến còn là nhà khoa học đứng chủ trì nhiều đề tài nhánh cấp Nhà nước trong đó phải kể đến 02 đề tài về Địa danh biên giới Tây Nam và Địa danh biển đảo Việt Nam…

 

Hơn 60 năm tuổi Đảng, ngoài 50 năm tuổi nghề, bên cạnh vai trò là Bí thư đầu tiên (từ 1959 đến 1962) của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Hoàng Trọng Phiến cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho Khoa, cho Trường với tư cách là một nhà quản lý. Từ năm 1971 đến 1973, Thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn) và từ năm 1973 đến 1984, Thầy giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Thầy cũng từng là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) từ năm 1989 đến 1992. Ở bất cứ vị trí công tác nào Thầy cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách mẫu mực và phần thưởng dành cho Thầy, cao hơn tất cả những huân, huy chương, bằng khen là lòng kính yêu, cảm phục của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Ở một khía cạnh nào đó, Thầy giống như một nghệ nhân tài hoa luôn khéo léo chèo, lái con đò trở nặng tri thức qua những “khúc sông gập ghềnh, sóng gió nhất”.

 

Nhiều học giả nước ngoài bảo rằng, dù chỉ mới gặp Thầy lần đầu tiên đã giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về một vị Giáo sư Ngôn ngữ học giản dị với mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh, chất giọng xứ Quảng ấm áp, dễ thương và đặc biệt là vốn tri thức uyên bác thể hiện trong phong cách trẻ trung, thoải mái, độ lượng, khoan hòa; còn sinh viên nước ngoài thường gọi Thầy một cách trìu mến là “Giáo sư Hoàng của chúng tôi”. Mấy chục năm sau ngày được Nhà nước cho về nghỉ chế độ, GS. Hoàng Trọng Phiến vẫn giữ được tác phong thanh thoát, trẻ trung của một cán bộ Đoàn. Thầy có thể ngồi say sưa hàng giờ nghe chúng tôi nói về các hoạt động của tuổi trẻ để rồi bao giờ Thầy cũng đưa ra được những nhận xét rất tinh tế, thú vị. Bài học sâu sắc mà chúng tôi học được từ Thầy chính là phương thức tự tạo ra niềm lạc quan trong mọi hoàn cảnh, biết sống hết mình cho những đam mê…

 

Trong những câu chuyện hồi tưởng về thời trai trẻ, bao giờ Thầy cũng nhắc nhiều nhất đến cô Dương Liễu Chi - người bạn đời “lý tưởng”, người phụ nữ dịu dàng, thanh lịch của phố cổ Hội An. Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, hồ như cảm giác về tuổi tác chẳng làm Thầy bận tâm, mái tóc đã bạc phơ phơ nhưng tâm hồn Thầy thì còn thanh xuân lắm. Nghe Thầy nói, ngắm Thầy cười, tự nhiên tôi thấy thấm thía một điều thật giản dị: Để giữ mái tóc xanh người ta có thể dùng thuốc nhuộm, nhưng làm cách nào để giữ được tâm hồn luôn tươi xanh thì có lẽ chỉ những người như Thầy tôi - GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến mới trả lời được...

 

(Bài viết đã được đăng trên webiste nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006).

VNU Media

 

Các nhà khoa học khác